Bệnh phụ khoa gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản ở nữ, thậm chí là vô sinh nếu không được điều trị sớm. Do đó, việc nắm rõ các bệnh phụ khoa ở nữ giới thường gặp nhất và các dấu hiệu nhận biết là cách giúp chị em chủ động hơn trong việc phòng tránh, thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh phụ khoa gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ
1. Nguyên nhân gây bệnh phụ khoa ở nữ giới là gì?
Bệnh phụ khoa là các bệnh lý xảy ra tại cơ quan sinh dục (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng…) của người phụ nữ. Các nguyên nhân gây bệnh phụ khoa có thể là:
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình; không dùng bao cao su khi quan hệ, không vệ sinh trước và sau khi quan hệ hoặc quan hệ trong môi trường kém sạch sạch sẽ.
- Quan hệ không đúng cách khiến vùng kín bị trầy xước, vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm phụ khoa.
- Không vệ sinh cẩn thận vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng tận dụng môi trường ẩm ướt tại “cô bé” phát triển và gây viêm nhiễm .
- Thường xuyên bị căng thẳng, chịu nhiều áp lực trong công việc, gia đình.
- Chế độ ăn uống không khoa học, nghỉ ngơi không hợp lý khiến sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu đi, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
- Nạo hút thai khiến cơ quan sinh dục bị tổn thương nghiêm trọng hoặc phá thai ở những cơ sở kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn y tế gây viêm nhiễm phụ khoa.
- Mặc quần lót quá chật.
- Dị ứng với một số hóa chất, dung dịch vệ sinh phụ khoa.
- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc đang mãn kinh.
2. 14 Bệnh phụ khoa ở nữ giới thường gặp nhất và dấu hiệu nhận biết
Tổng hợp những bệnh phụ khoa ở nữ giới thường gặp nhất và liệt kê một số dấu hiệu nhận biết bệnh sớm mà chị em có thể tham khảo:
(1) Rối loạn kinh nguyệt
Hầu như chị em nào cũng đã từng gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Khi chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn thường biểu hiện ở vòng kinh dài ngắn khác nhau, không theo chu kỳ bình thường là 28 – 30 ngày mà có thể chậm kinh, rong kinh hoặc mất kinh. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thụ thai cũng như rất bất tiện trong sinh hoạt.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt có thể là do chế độ ăn uống thiếu chất, cơ thể kiệt sức, tinh thần bất ổn hoặc đang mắc phải các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, tiểu đường, nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang, có khối u buồng trứng…
(2) Đau bụng kinh
Các cơn đau bụng kinh gây ra nhiều phiền toái trong công việc, sinh hoạt
Cơn đau xuất hiện trong kỳ kinh nguyệt khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động thường ngày. Cơn đau gây co thắt ở vùng bụng dưới, lan qua lưng và đùi, âm ỉ rất khó chịu.
Cơn đau nguyên phát (cơn đau lan rộng qua lưng, đùi) thường không liên quan đến các bệnh lý ở vùng chậu. Tuy nhiên, cơn đau thứ phát (cơn đau chỉ tập trung vào một khu vực) không phải do tử cung co bóp mà có thể là các bệnh vùng chậu như viêm vùng chậu mãn tính, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
(3) Đau khi quan hệ tình dục
Có cảm giác đau rát khi quan hệ, một số trường hợp có thể kèm theo khó thở. Nguyên nhân gây ra đau khi quan hệ tình dục có thể là do tâm lý căng thẳng của chị em phụ nữ, viêm âm đạo do nhiễm nấm men candida, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, đau âm hộ mãn tính…Khi gặp phải tình trạng này, chị em nên thăm khám sớm để xác định nguyên nhân chính xác.
>> Xem thêm: Khám tiền hôn nhân cho nữ
(4) Đau vùng chậu
Đau vùng chậu là đau ở phần bụng dưới (từ rốn đến xương chậu). Đây là tình trạng có xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ em trước dậy thì đến vị thành niên, người cao tuổi.
Cơn đau vùng chậu có thể âm ỉ, liên tục hoặc không liên tục với cường độ từ nhẹ tăng dần đến nặng. Ở thể nặng, đau có thể kèm theo chảy máu, vài giọt gây ướt đồ lót.
Có nhiều nguyên nhân gây đau vùng chậu như: Bệnh viêm vùng chậu, bắt đầu thời kỳ kinh nguyệt, có thai ngoài tử cung, sẩy thai, u xơ tử cung, ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
(5) Viêm âm đạo
Viêm âm đạo là một bệnh phụ khoa ở nữ giới phổ biến hiện nay, xảy ra khi bị nhiễm trùng nấm men, nhiễm khuẩn âm đạo, quan hệ tình dục với nhiều người hoặc bị dị ứng các dung dịch vệ sinh phụ khoa. Khi bị viêm âm đạo, chị em thường có các biểu hiện như: Khí hư ra nhiều, có màu trắng hoặc hơi vàng, có khi đặc như mủ và có màu sắc bất thường. Niêm mạc âm đạo hơi đỏ, ngứa, rát và sưng hoặc đau nhức. Ngoài ra, người bị viêm âm đạo sẽ cảm thấy nóng rát khi đi tiểu và đau khi quan hệ tình dục.
Viêm âm đạo là một trong những bệnh phụ khoa ở nữ giới phổ biến hiện nay
(6) Viêm lộ tuyến tử cung
Các tế bào tuyến tại ống cổ tử cung phát triển quá mức ra mặt ngoài tử cung và tăng tiết dịch gây viêm lộ tuyến tử cung. Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ sinh đẻ nhiều, quan hệ tình dục sớm, phá thai nhiều lần.
Biểu hiện của viêm lộ tuyến tử cung: Đau khi quan hệ, khí hư ra nhiều, mùi khó chịu, ngứa.
(7) Viêm cổ tử cung
Viêm nhiễm xảy ra khi quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh vùng kín kém sạch sẽ, viêm nhiễm sau khi sinh con, sẩy thai. Bệnh có các dấu hiệu nhận biết khá rõ ràng với các triệu chứng như: Khí hư có màu vàng hoặc xám kèm theo mùi hôi khó chịu, đau bụng dưới, đau lưng, xuất huyết âm đạo, đau và chảy máu khi giao hợp. Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể gây viêm tắc vòi trứng, dính cổ tử cung, vô sinh ở nữ giới.
(8) U xơ cổ tử cung
Tử cung xuất hiện những khối u lành tính do di truyền hoặc sự thay đổi hormone. Bệnh u xơ cổ tử cung thường gặp nhất ở phụ nữ từ 35 – 40 tuổi với các triệu chứng bất thường như: Kinh nguyệt không đều, chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt kéo dài, khí hư bất thường, đau tức bụng dưới, đau vùng chậu, bụng to, đau khi quan hệ.
(9) U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là mốt khối, túi chứa dịch lỏng hoặc rắn như bã đậu phát triển trên buồng trứng do các nang trứng phát triển kém hoàn thiện hoặc do dư thừa hàm lượng HCG trong cơ thể. Bệnh có các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng dưới, đầy và sưng ổ bụng, đau tức ngực, buồn nôn và khó chịu.
(10) Viêm phần phụ như viêm vòi trứng, buồng trứng
Khi bị viêm các phần phụ, người bệnh có các triệu chứng như sốt cao, khí hư nhiều có mùi hôi lẫn mủ, đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu.
(11) Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là bệnh phụ khoa ở nữ giới xảy ra khi các mô phát triển bên trong tử cung lại phát triển ra bên ngoài tử cung. “Thủ phạm” gây ra bệnh có thể là do di truyền, rối loạn hormone, hệ miễn dịch kém.
Khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, chị em thường cảm thấy đau và mệt mỏi trong thời kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt ra nhiều, tiêu chảy, táo bón hoặc buồn nôn.
(12) Viêm nội mạc tử cung
Thường do các can thiệp phẫu thuật không đúng cách khi đặt dụng cụ tử cung, hậu sản, hậu phẫu. Bệnh có thể nhận biết qua các triệu chứng như khí hư có mùi hôi kèm theo máu, xuất huyết bất thường hoặc xuất hiện các cơn đau bụng dưới.
Khi mắc bệnh phụ khoa, các cơn đau bụng dưới xuất hiện thường xuyên hơn
(13) STDs (bệnh lây truyền qua đường tình dục)
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp có thể kể đến như: bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà, bệnh hạ cam mềm…Bệnh xảy ra khi quan hệ tình dục không lành mạnh, tiếp xúc với vi khuẩn khi dùng chung khăn tắm hoặc dùng chung đồ lót với người bệnh.
Đây là một trong những bệnh phụ khoa ở nữ giới phổ biến, có thể nhận biết qua các triệu chứng như: Ngứa bộ phận sinh dục, dịch âm đạo có mùi bất thường, đau khi đi tiểu, sưng hạch ở háng, chảy máu âm đại, có các triệu chứng như cúm, sốt và ớn lạnh, giảm cân, phân lỏng. Đặc biệt, xuất hiện các mụn nước, vết loét, cục u, bướu, mụn cóc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng.
(14) Hội chứng Vulvodynia
Vulvodynia hay còn gọi là đau âm hộ là trình trạng đau xung quanh cửa âm đạo. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do tổn thương thần kinh hoặc kích ứng, nhiễm trùng nấm men, co thắt các cơ âm đạo, thay đổi nội tiết hoặc do sử dụng kháng sinh thường xuyên.
3. Cách phòng ngừa bệnh phụ khoa hiệu quả
Bệnh phụ khoa ở nữ giới rất hay tái phát cho dù bạn đã điều trị tích cực và bệnh đã khỏi hẳn hoàn toàn. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh phụ khoa, chị em nên:
- Tránh làm việc căng thẳng kéo dài mà thay vào đó nên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Vệ sinh cơ thể, vùng kín sạch sẽ, đúng cách. Thay băng vệ sinh 4 giờ/lần trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Thay quần lót thường xuyên nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt và giữ cho bộ phận sinh dục bên ngoài luôn khô thoáng.
- Không nên mặc quần quá chật, bó sát.
Quan hệ tình dục lành mạnh, nên sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ và tuân thủ chế độ một vợ – một chồng. Khi quan hệ không nên quá thô bạo vì có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.
Để phòng tránh bệnh phụ khoa, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học
- Xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt, nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây có nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ vào khẩu phần ăn mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên. Nên tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc ngồi thiền…Tránh luyện tập quá sức vì dễ khiến cơ thể mệt mỏi.
- Không sử dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ có đặc tính tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Bạn nên tìm hiểu kỹ các sản phẩm trước khi mua và chỉ sử dụng dung dịch rửa phụ khoa uy tín.
- Chị em nên chủ động khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần ngay cả khi cơ thể không có dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt, nếu đã có quan hệ tình dục, bạn cần đi khám phụ khoa định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần.
Bệnh phụ khoa ở nữ giới có thể phát hiện sớm nếu chị em thăm khám định kỳ. Hiện nay, Hệ thống Phòng khám CarePlus đang cung cấp gói khám phụ khoa định kỳ, các dịch vụ chẩn đoán, điều trị với các hạng mục thăm khám chuyên sâu giúp phát hiện các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, buồng trứng…
Để biết thêm về các những bệnh phụ khoa và cách phòng tránh, vui lòng truy cập:
- Hotline: 1800 6116
- Email: [email protected]
- Fanpage: CarePlus Clinic Vietnam