Gai cột sống và những nguyên tắc dinh dưỡng khoa học

Tác giả: Lê Thị Cẩm Hường

Gai cột sống

Khi mắc bệnh gai cột sống, người bệnh thường nghĩ rằng mình không nên ăn thực phẩm chứa nhiều canxi để hạn chế sự phát triển của gai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây thực sự là một quan điểm sai lầm.

1. Gai cột sống là gì?

Trong cơ thể con người, cột sống giữ vai trò như một trục chống đỡ, đàn hồi giúp chúng ta linh hoạt trong các cử động như cúi, ngửa hoặc vặn mình. Cấu tạo cột sống là một hệ thống được tạo ra từ những đốt sống riêng lẻ, xếp chồng lên nhau, kết nối thành một trục nhờ hệ dây chằng và cơ.

Gai cột sống là sự phát triển thêm của xương trên thân đốt, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp do đĩa sụn và xương bị thoái hóa, hao mòn. Quá trình thoái hóa lâu ngày khiến sụn mất nước và bị canxi hóa, đồng thời canxi sẽ tụ ở dây chằng tạo ra các gai cột sống.

Gai cột sống
Tỷ lệ người mắc gai cột sống chủ yếu là những người đã có tuổi

Gai cột sống thường xảy ra ở vùng cổ và vùng lưng. Với người bị gai đốt sống cổ thường có những triệu chứng nhức đầu, đau cổ, đau vai gáy, đau lan xuống tay và các ngón tay. Người bị gai đốt sống thắt lưng rất khó chịu với những cơn đau thắt lưng, đau hông, đau có thể xuống chân theo kiểu đau thần kinh tọa. Nếu không kịp thời điều trị dẫn đến trường hợp chèn ép thần kinh, gây nên nhiều biến chứng tiểu tiện không tự chủ, liệt tay chân, tàn phế, tử vong.

2. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho bệnh gai cột sống

Để điều trị gai cột sống, người bệnh có thể áp dụng phương pháp trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu, châm cứu, dùng thuốc… Ngoài ra, trong quá trình điều trị, chế độ dinh dưỡng cho gai cột sống cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Bữa ăn nghèo nàn thiếu canxi và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác dễ dẫn đến loãng xương – nguyên nhân chính làm cột sống bị thoái hóa, dẫn đến gai cột sống. Ăn uống đầy đủ chất, cân bằng và phù hợp thể trạng giúp người bệnh sớm đạt được hiệu quả điều trị tối đa.

2.1. Người bệnh gai cột sống có nên lựa chọn thực phẩm giàu canxi?

Bệnh gai cột sống nên ăn gì? Có nên lựa chọn thực phẩm chứa canxi? Bởi nhiều người còn lo sợ rằng khi bổ sung canxi sẽ càng thúc đẩy sự phát triển của gai xương, gây thêm đau nhức. Do đó họ e ngại những thực phẩm chứa canxi.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, canxi chính là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương. Do đó để giúp xương phục hồi những tổn thương nhanh hơn và giảm thời gian tạo nên các gai, chúng ta cần cung cấp đầy đủ canxi, hỗ trợ xương thêm khỏe mạnh và rắn chắc.

Nhóm các thực phẩm giàu canxi: sữa ít chất béo, sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), các loại rau lá xanh (bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn…), ngũ cốc, đậu nành và sản phẩm từ đậu nành, hải sản (tôm, cua…).

Gai cột sống
Hàm lượng canxi có trong những thực phẩm này không hề nhỏ

2.2. “Kết thân” với thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D là một trợ thủ đắc lực giúp cơ thể hấp thu canxi nhanh hơn, hỗ trợ phát triển xương, kiểm soát tăng trưởng tế bào, nâng cao chức năng hệ miễn dịch, chống viêm. Nhu cầu vitamin D cần thiết cho cơ thể là 600 đơn vị IU. Tình trạng thiếu hoặc thừa vitamin D đều không tốt cho sức khỏe.

Thiếu hụt vitamin D dẫn đến còi xương, loãng xương, suy yếu miễn dịch, tóc mọc kém, loãng xương. Thừa vitamin D khiến cơ thể hấp thu canxi quá nhiều, gây nhồi máu cơ tim và sỏi thận. Ngưỡng ngộ độc vitamin ở mức 10.000 đến 40.000 IU một ngày tùy vào cơ địa từng người.

Theo các chuyên gia, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cách tốt nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể. Tuy nhiên đối với những người phải thường xuyên làm việc trong phòng hoặc sống ở nơi ít có ánh nắng thì đó lại là hạn chế. Vì vậy con người vẫn có thể bổ sung vitamin D từ một số ít thực phẩm tự nhiên như: cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá mòi), lòng đỏ trứng, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, sản phẩm từ đậu nành, dầu gan cá, ngũ cốc.

2.3. Tăng mật độ xương bằng vitamin K

Có nhiều nghiên cứu cho rằng vitamin K có thể thúc đẩy mật độ xương, hỗ trợ cho quá trình điều trị gai cột sống. Người bệnh cần bổ sung vitamin K vào chế độ ăn uống hàng ngày thông qua các thực phẩm: rau lá xanh, thịt, phô mai, trứng…

Nguy hiểm khi cơ thể thiếu hụt vitamin K

Chúng ta thường nhắc các loại vitamin A, B, C, D, E hay chất sắt, chất đạm, nhưng các bạn đã biết đến vitamin K chưa. Vitamin K có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể đấy nhé. Những dấu hiệu cơ thể cần bổ…

2.4. Hạn chế chất béo nạp vào cơ thể

Khi mắc các bệnh về xương khớp, người bệnh cần chủ động kiểm soát cân nặng tốt, tránh gây áp lực cho cột sống. Do đó cần kiêng hoặc ăn ít:

– Thực phẩm nhiều chất béo: Thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò.

– Thực phẩm nhiều cholesterol: Não, tim, gan, thận, lòng lợn.

– Những món ăn đưa thêm chất béo: Bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán.

– Đồng thời kiêng hẳn những đồ uống có chất kích thích: Rượu, bia, cà phê…

Gai cột sống
Hạn chế thức ăn nhiều đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, chocolate

2.5. Tránh ăn thực phẩm đã qua tinh chế sẵn

Gạo trắng, bún, phở, miến, mì, các loại thức ăn như hăm bơ gơ, khoai tây chiên, pizza… thuộc dạng thực phẩm đã qua tinh chế. Chúng chứa nhiều calo nhưng lại ít dinh dưỡng. Dung nạp những thực phẩm này quá nhiều chỉ khiến cơ thể càng tăng cân chứ không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu để cột sống nhanh hồi phục.

Theo Dinhduong.online tổng hợp