Đông trùng hạ thảo Tây tạng được biết đến như một loại dược liệu giúp bồi bổ sức khoẻ, chữa đau nhức, tăng cường sinh sản. Và có giá trị thuộc hàng đắt nhất thế giới.
Loại thảo dược này thường phân bố khoảng 4000 mét so với mực nước biển như Thanh Hải, Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Cam Túc (Trung Quốc). Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo Tây Tạng được ưu chuộng hơn và cũng có giá thành đắt nhất.
Đông trùng hạ thảo thực chất không phải là thảo (cỏ) hay trùng (sâu). Nó hình thành do nấm Ophiocordyceps sinensis sống ký sinh trên thân sâu bướm thuộc chi bướm ma Thitarodes. Loại nấm sâu bướm O. sinensis sống trên những cánh đồng cỏ thuộc trung tâm châu Á.
Giống như nhiều loài ký sinh trùng, nấm O. sinensis xâm chiếm phần bên trong cơ thể của sâu bướm khi ấu trùng lột xác vào thời điểm nóng nhất của mùa hè. Nó ăn các mô của vật chủ, khiến ấu trùng thường chết sau vài tuần phía dưới mặt đất khoảng 2 – 5 cm.
Lớp vỏ bọc bên ngoài của sâu bướm vẫn nguyên vẹn, nhưng cơ thể của nó giống như một xác ướp. Khi mùa xuân đến, nấm phát triển quả thể (fruiting body) mọc ra khỏi đầu vật chủ ký sinh và nhô lên khỏi mặt đất. Toàn bộ xác sâu bướm dưới lòng đất và quả thể nấm phía trên gọi là đông trùng hạ thảo.
Tác dụng dược liệu và bồi bổ cơ thể của đông trùng hạ thảo được quảng bá ở Tây Tạng ít nhất từ thế kỷ 15, với chức năng nổi bật nhất là thúc đẩy sản xuất tinh dịch ở nam giới. Điều này có thể xuất phát từ việc người dân quan sát thấy những con bò Tây Tạng tăng cường sinh lực khi ăn đông trùng hạ thảo.
Đến thế kỷ 17, đông trùng hạ thảo trở thành loại dược liệu y học cổ truyền phổ biến của Trung Quốc. Vì giá thành cực đắt, chỉ hoàng gia hoặc giới quý tộc mới có tiền mua chúng.
Trong vài thập kỷ qua, nhu cầu sử dụng động trùng hạ thảo tăng vọt. Giá bán trên thị trường ở Tây Tạng, nơi cung cấp 96% sản lượng đông trùng hạ thảo, tăng 900% từ năm 1997 đến 2008.
Tại Nepal, giá bán tăng lên vọt 2.300% giữa năm 2001 và 2011. Một pound (1 pound = 0,454 kg) đông trùng hạ thảo loại tốt nhất có giá khoảng 50.000 USD.
Ở nhiều nơi tại Tây Tạng, ngành công nghiệp khai thác đông trùng hạ thảo tạo ra 40 – 80% thu nhập cho người dân địa phương. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc khai thác quá mức đông trùng hạ thảo khiến số lượng của chúng ngày càng giảm xuống. Các nhà bảo tồn lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thiên nhiên và môi trường.
Theo VnExpress.net