Khi chúng ta đổ bệnh, một số cơ quan nội tạng sẽ không hoạt động như bình thường, cơ thể yếu ớt. Do đó chúng ta nên bồi bổ cho cơ thể của mình bằng cách nạp vào những thực phẩm có nhiều dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, nạp vào những loại thực phẩm nào để không “làm khó” cho cơ thể, giúp cơ thể mau khỏi bệnh là điều mà mọi người cần lưu ý.
Mỗi khi bị ốm bệnh, không những cần chọn những loại thực phẩm lành mạnh, nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa mà còn ưu tiên ăn những món đủ các dưỡng chất cần thiết phù hợp với bệnh tình của cơ thể.
Nhưng đôi khi, một số loại đồ ăn thức uống mà trước đây ta lầm tưởng rằng nó dành cho những người bị ốm bệnh lại nằm trong danh sách những món nên kiêng cho những bệnh nhân. Sau đây là 9 loại thực phẩm mà những người bị ốm nên kiêng kị tuyệt đối.
- Cà phê
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị bệnh, đặc biệt là bệnh về dạ dày, tiêu hóa.
– Lý do: Trong cà phê có chất caffein là một trong những loại chất kích thích lợi tiểu, khiến cho bạn đi tiểu nhiều và bị mất nước.
Kristine Arthur, bác sĩ y khoa tại Trung tâm Y tế Orange Coast Memorial ở thung lũng Fountain, California (Mỹ) cho rằng khi bị bệnh, hệ miễn dịch của bạn cần rất nhiều nước để có đủ khả năng chống lại những virut nhiễm trùng.
Nôn mửa, tiêu chảy sẽ khiến cơ thể bị mất nước nhưng caffein còn tồi tệ hơn thế nhiều. Chúng sẽ đẩy nhanh quá trình mất nước lên và đồng thời, chúng còn kích thích các cơ của đường tiêu hóa, khiến cho các đợt tiêu chảy trở nên gấp rút và nhiều hơn.
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị ho hoặc đau họng.
– Lý do: Chất chua trong cam thường sẽ làm cơ thể tỉnh táo. Nhưng khi bị đau họng, nó sẽ khiến cho cổ họng bị rát và tổn thương.
Taz Bhatia, giáo sư y khoa của Đại học Emory (Mỹ), tác giả của cuốn sách What Doctors Eat cho biết trong cam có chứa chất axit xitric, gây kích thích mạnh tới lớp màng của chỗ viêm trong cổ họng. Điều đó có nghĩa là cổ họng bạn sẽ bị tổn thương ngày càng nặng và sẽ mất khá nhiều thời gian để chữa lành.
- Đồ ngọt
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị ốm, đặc biệt là mắc bệnh về dạ dày.
– Lý do: Đường tinh luyện có thể gây ức chế tạm thời khả năng chống lại vi khuẩn của tế bào bạch cầu.
Tiến sĩ Arthur nói rằng trong vài giờ sau khi ăn bánh kẹo hoặc ngũ cốc có đường, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ yếu đi rất nhiều. Do đó tính năng chống lại vi trùng gây bệnh của nó sẽ kém hiệu quả. Không những thế, đường còn kéo chất lỏng ra khỏi đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng phân lỏng hoặc bị tiêu chảy.
- Nước có gas
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị ốm, đặc biệt là mắc bệnh về dạ dày.
– Lý do: Giống cà phê, nước có gas sẽ khiến cơ thể bạn bị mất nước.
Theo Tiến sĩ Arthur, trong nước có gas có chứa cả đường, vừa khiến cho hệ thống miễn dịch của bạn bị ngăn chặn, vừa làm rối loạn hệ thống tiêu hóa. Kể cả soda ăn kiêng cũng vậy. Bởi chúng chứa nhiều chất làm ngọt nhân tạo khó bị tiêu hóa dễ dàng. Điều đó sẽ có thể gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu và thậm chí còn bị tiêu chảy.
Giải pháp cho vấn đề này là bạn có thể chọn cho mình những loại đồ uống thay thế khác tốt cho sức khỏe hơn, ví dụ như nước đường, các loại đồ uống bổ sung chất điện phân trong thể thao hoặc nước dừa.
- Đồ ăn vặt cứng và giòn
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị ho hoặc đau họng.
– Lý do: Đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bánh mì nướng giòn,…có kết cấu mài mòn, khiến cho cổ họng bị chà xát, gây cảm giác như có giấy nhám trên cổ.
Tiến sĩ Bhatia nói rằng khi ăn đồ ăn vặt cứng và giòn, cổ họng của bạn sẽ bị tổn thương nhiều, khiến cho quá trình chữa trị bị kéo dài thêm. Vì thế, tốt nhất nên tránh xa những loại thực phẩm ấy khi bạn bị đau hoặc viêm họng.
- Rượu
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị ốm, đặc biệt là mắc bệnh về dạ dày.
– Lý do: Cũng như cà phê, rượu sẽ kích thích cơ chế đi tiểu nhiều, gây ra tình trạng mất nước.
Tiến sĩ Arthur cho rằng sau khi uống rượu, cơ thể bạn sẽ bị mất nước, thay vào đó là lượng cồn trong máu tăng nhanh hơn. Bên cạnh đó, rượu cũng có thể đẩy nhanh tức thời quá trình tiêu hóa, gây ra triệu chứng tiêu chảy hoặc phân sống.
- Sữa
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị nghẹt mũi.
– Lý do: Một số lời đồn đại cho rằng uống sữa khi đang nghẹt mũi sẽ làm sản sinh thêm nhiều chất đờm hoặc chất nhầy trong mũi. Nhưng Tiến sĩ Arthur đã khẳng định điều này là vô lý.
Một số người cho rằng khi họ bị nghẹt mũi, càng uống sữa thì lớp đờm trong mũi họ càng dày đặc và khó chịu hơn. Nếu bạn có gặp phải triệu chứng này, chỉ cần ngừng sử dụng nó cho đến khi nào cơ thể khỏe mạnh trở lại.
- Đồ chiên rán, thực phẩm chứa nhiều chất béo
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị mắc bệnh về dạ dày.
– Lý do: Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Bhatia, sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo. Vì thế bạn có thể gặp phải triệu chứng buồn nôn hoặc trào ngược axit.
Ăn nhiều đồ chiên rán cũng sẽ gây ra sự co thắt ở đường ruột, khiến cho bệnh tiêu chảy trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Vì thế hãy kiêng ăn chúng cho đến khi nào bạn cảm thấy khỏe hơn.
- Đồ cay nóng
– Thời điểm không nên sử dụng: Khi bị sổ mũi.
– Lý do: Capsaicin là chất gây ra vị cay trong các loại thực phẩm. Hợp chất này có thể gây kích ứng khiến mũi bị chảy nước.
Tiến sĩ Bhatia cho rằng việc ăn cay sẽ khiến cho chứng sổ mũi của bạn từ nhẹ trở nên nặng hơn. Nhưng nếu cố nhồi nhét thêm nhiều chất cay, có thể chất nhờn trong mũi sẽ bị phân hủy và cơn tắc nghẽn sẽ được làm dịu đi rất nhiều.
Theo Foxnews