Những cơn đau bụng trên rốn (gọi là đau vùng thượng vị) diễn ra âm ỉ hoặc đau dữ dội, đến bất ngờ luôn khiến người bệnh cảm thấy phập phỏng lo sợ. Đây chính là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau có liên quan đến dạ dày, tá tràng và gan mật.
Xem nhanh
Như thế nào là đau bụng trên rốn?
Khu vực ổ bụng được tạm phân chia thành các vùng:
– Vùng trên rốn (thượng vị): gồm có gan, mật (đường dẫn mật và túi mật), dạ dày – hành tá tràng, tụy, lách, phía trên hệ tiết niệu (thận, phía trên niệu quản), bao quanh các cơ quan trên rốn có màng bụng.
– Vùng dưới rốn (hạ vị): có ruột (ruột non, ruột già, trực tràng, phần dưới niệu quản, bàng quang, phần phụ (nữ giới)…
– Hố chậu phải và hố chậu trái.
Cơn đau có thể tới âm ỉ hoặc dữ dội, kéo đến vào ban ngày hoặc lúc nửa đêm, có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác.
Nguyên nhân do đâu?
1. Do giun
Nếu đau bụng ở người trẻ, có thể nghi ngờ là do giun. Đại đa số trường hợp bị nhiễm giun thường đau ở quanh rốn, nhưng một số khác lại đau ở vùng trên rốn. Khi giun chui vào ống mật, cơn đau càng trở nên dữ dội khiến bệnh nhân phải nằm lăn lộn. Mức độ đau chỉ thuyên giảm khi người bệnh gập người lại (chổng mông).
Thực phẩm bẩn là tên gọi mà người ta thường nói khi nhắc tới những loại thức ăn không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay có càng nhiều những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và người ta thường gọi chung những dạng…
2. Bệnh dạ dày – tá tràng
Đau ở vùng thượng vị là dấu hiệu điển hình các bệnh liên quan đến dạ dày tá tràng. Căn bệnh này xảy ra phổ biến ở nước ta.
Triệu chứng viêm loét dạ dày – tá tràng gồm: đau ở vùng trên rốn, cơn đau lan lên xương ức gây đau bụng âm ỉ hoặc đau trội lên. Nếu loét dạ dày, đau sau ăn 1 – 2 giờ. Nếu loét tá tràng: đau xuất hiện sau khi ăn 4 – 6 giờ còn gọi là “đau khi đói”, mỗi đợt kéo dài vài tuần. Kèm theo là triệu chứng khác: đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, ợ chua, suy nhược thần kinh.
Viêm loét dạ dày hành tá tràng do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) chiếm tỉ lệ rất cao (khoảng trên 90%). Theo khảo sát, người dân có thu nhập thấp thường có nguy cơ nhiễm HP cao hơn do không gian sống chật chội, dễ lây lan.
Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng, trong niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng: sa dạ dày, hẹp môn vị, hành tá tràng biến dạng do loét, thậm chí thủng dạ dày.
3. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích được là một rối loạn mạn tính chức năng của đại tràng, còn có tên gọi hội chứng đại tràng co thắt, viêm đại tràng co thắt hay bệnh đại tràng chức năng. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Những người với cơ địa nhạy cảm có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn.
Những người bị hội chứng ruột kích thích thường gặp các triệu chứng: đau bụng thành cơn, quặn thắt ở vùng hạ vị, nửa bụng phải, nửa bụng trái và có thể ở vùng thượng vị. Một số khác còn gặp đi ngoài phân lỏng, sống, táo.
4. Bệnh về gan mật
Với biểu hiện đau ở vùng trên rốn còn là triệu chứng của các bệnh về gan mật, cụ thể:
- Gan bị viêm, áp-xe do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biểu hiện là đau tức vùng trên rốn lệch sang phải, dưới hạ sườn phải.
- Bệnh của túi mật như: viêm đường dẫn mật, sỏi, u ác tính và đều gây đau bụng vùng trên rốn kèm theo nhiều triệu chứng khác (sốt, vàng da…) và thường xảy ra sau bữa ăn nhiều đạm, mỡ.
Ăn gì tốt cho gan? Ăn gì mát gan? Trước tình trạng vô số các thực phẩm không an toàn và mất vệ sinh xuất hiện tràn lan như ngày nay thì gan là bộ phận đang ngày đêm làm việc để cố gắng loại bỏ những chất độc hại. Chúng ta…
Khi bị đau bụng trên rốn cần làm gì?
– Không điều trị nhất thời, chỉ điều trị triệu chứng: Uống thuốc giảm đau, chống co thắt, thuốc cầm tiêu chảy, nhuận tràng, bổ sung các loại men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa…là những cách phổ biến nhiều người thường làm khi bị đau bụng trên rốn. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp làm thuyên giảm triệu chứng, không chữa được nguyên nhân gốc rễ. Do đó bệnh cứ tái phát liên tục.
– Cần đi khám ngay tại phòng khám Tiêu hóa – Gan mật: Để chẩn đoán xác định cần phải nội soi tiêu hóa. Thông qua hình ảnh nội soi, có thể thấy những thương tổn trong đường tiêu hóa nếu có, cụ thể là sẽ thấy hình ảnh niêm mạc dạ dày sung huyết hoặc có thể có các ổ loét. Đồng thời, người bệnh nên tiến hành thử test vi khuẩn HP.
– Không lo âu, căng thẳng: Trong cơ thể chúng ta luôn có hệ trục não – ruột có liên quan mật thiết với nhau. Bởi trong đường ruột có khoảng 100 triệu tế bào thần kinh kết nối với não bộ. Khi não bị căng thẳng dẫn đến nhu động ruột, co bóp thất thường, tạo nên cơn đau. Bên cạnh đó, việc căng thẳng, stress khiến các lợi khuẩn bị tiêu diệt. Vì vậy, người bệnh nên tích cực tập yoga, thiền, khí công, thể dục nhẹ nhàng để giảm các căng thẳng trong công việc cuộc sống, tư tưởng thoải mái.
– Ăn uống điều độ:
- Lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, không chứa hóa chất và chất bảo quản.
- Không ăn thực phẩm tươi sống (rau sống, nem chạo, tiết canh, gỏi cá…).
- Nói “không” với dưa cà muối, gia vị chua, cay.
- Hạn chế các món chứa hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào, sốt.
- Tránh dùng bia rượu, thuốc lá, cà phê…
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa do trong sữa có loại đường lactose rất khó tiêu.
- Tăng cường món ăn nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây, đặc biệt là những loại giàu kali như chuối, đu đủ…
- Chia khẩu phần ăn làm nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no vào buổi tối.
- Bổ sung nhiều lợi khuẩn Bifidobacterium (gọi tắt là Bifido) tốt cho đường ruột, nâng sức đề kháng.
Những cơn đau bụng trên rốn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Để sớm chấm dứt tình trạng này và tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra, bạn nên nhanh chóng đi khám để tìm ra nguồn cơn gây bệnh cụ thể cũng như điều trị kịp thời.
Theo Dinhduong.online tổng hợp