Là cha mẹ có con nhỏ ai cũng mong muốn “thiên thần” nhà mình luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Tuy nhiên khi bé đến độ tuổi ăn dặm, còn rất nhiều phụ huynh phân vân không biết nên cho trẻ ăn bột hay cháo xay để vừa tốt cho hệ tiêu hóa vừa giúp con tăng cân nhanh chóng. Cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.
Xem nhanh
1. Trẻ mấy tháng bắt đầu ăn dặm?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), phụ huynh nên bắt đầu cho bé tập ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi. Thời điểm này, hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển tương đối hoàn thiện, đồng thời sữa mẹ cũng không còn đáp ứng đủ tổng mức năng lượng (700 kcal/ngày) mà trẻ cần cho sự phát triển và hoạt động hàng ngày. Vì vậy, ăn dặm hợp lý sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng, dinh dưỡng và phát triển khỏe mạnh hơn.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm mẹ cần lưu ý:
- Cân nặng tăng gấp đôi so với thời điểm vừa sinh.
- Trẻ biết giữ đầu thẳng và tự ngồi để mẹ có thể cho ăn.
- Trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn.
- Bắt đầu thích nhìn người khác ăn và với tay lấy thức ăn.
- Lưỡi trẻ có thể điều chỉnh linh hoạt hơn để di chuyển chuyển thức ăn trong miệng.
- Di chuyển hàm lên xuống và có thể bắt đầu nhai.
2. Cho bé ăn dặm bằng bột
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vấn đề nên cho bé ăn bột hay cháo xay là nỗi băn khoăn của rất nhiều bà mẹ khi lần đầu nuôi con. Khi trẻ nhỏ đạt 6 tháng tuổi, các mẹ nên cho trẻ ăn 2 – 3 bữa bột. Kèm theo đó là các cữ bú mẹ thường xuyên xen kẽ. Để đảm bảo vệ sinh, chúng ta nên cho bé ăn bột tự chế biến tại nhà. Tuy nhiên, cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng: đạm động vật (thịt lợn, bò, gà), đạm thực vật (đậu nành, đậu xanh, đậu đen…), chất béo (dầu thực vật, bơ, mỡ), rau củ (mồng tơi, bí xanh, rau dền, rau ngót, cà rốt…), hoa quả (chuối, cam, quýt, xoài, hồng xiêm…).
Nếu mẹ không có nhiều thời gian có thể mua bột công thức có bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn các bậc phụ huynh cần tham khảo rõ thành phần dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nguồn gốc sản xuất cũng như thời hạn sử dụng sản phẩm bột cũng rất quan trọng.
3. Cho bé ăn dặm bằng cháo xay nhuyễn
Cháo xay nhuyễn là món ăn dặm phổ biến mà nhiều bà mẹ vẫn thường cho bé dùng. Các món cháo trắng nấu cùng các loại rau củ, thịt động vật. Đây được xem là món thăm dò khả năng tiêu hóa của trẻ. Bởi vào thời điểm này, dạ dày của bé còn yếu và thành ruột non của bé còn mỏng. Món cháo vừa dễ ăn, dễ nuốt vừa giúp bé dễ hấp thu các dưỡng chất.
Những lưu ý khi cho bé ăn cháo trong độ tuổi ăn dặm:
- Không nên kết hợp các loại thịt, các loại rau cùng một lúc, tránh tình trạng bé ăn không tiêu do hệ tiêu hóa kém. Ví dụ: Không nên chế biến thịt bò cùng thịt heo, tôm với cua hoặc cá biển với cá đồng cùng lúc.
- Đối với những bé chưa đủ 8 tháng tuổi, mẹ cần chú ý những thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt bò, hải sản, thịt gà…
- Đừng nghĩ rằng nước hầm xương mang lại nhiều dinh dưỡng. Thực chất nước hầm chỉ có vị ngọt, nguồn đạm vẫn còn trong thịt và xương.
- Nấu cháo bữa nào nên ăn bữa nấy. Các mẹ đừng nấu quá nhiều rồi mỗi lần cho bé ăn cứ hâm đi hâm lại, không đảm bảo dinh dưỡng mà còn không an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Nên cho trẻ ăn bột hay cháo xay tốt hơn?
Theo các chuyên gia, kể cả bột ăn dặm hay cháo xay nhuyễn món nào cũng tốt cho nhu cầu dinh dưỡng của bé trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu cứ ăn mãi một món sẽ khiến bé không có cơ hội thưởng thức hết mùi vị của các loại thực phẩm và dễ bị suy dinh dưỡng.
Chúng ta hãy kết hợp cả bột và cháo xay nhuyễn trong cách cho bé ăn dặm. Thực đơn hàng ngày của bé nên đa dạng và cân đối các món. Các mẹ cần nhớ nguyên tắc ăn dặm là ăn từ ít đến nhiều, ăn từ loãng đến đặc. Hãy thử đầy đủ loại thực phẩm để bé làm quen. Lưu ý khi cho bé ăn dặm, không nên cho ăn nước xương hầm, ăn nhạt và nên xay nhuyễn để bé dễ hấp thu.
Quý phụ huynh có thể xem thêm video để biết cách cho bé ăn dặm thế nào là đúng:
5. Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách mẹ nên lưu ý
Dưới đây là một số quy tắc ăn dặm mà mẹ không nên bỏ qua giúp trẻ có một khởi đầu thuận lợi khi bước vào giai đoạn ăn dặm:
- Ăn dặm đúng thời điểm: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ nên bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều không tốt cho sự phát triển của con.
- Ăn từ ngọt đến mặn: Vì vị giác của trẻ cần được thích nghi với hương vị thức ăn mới ngoài sữa mẹ. Cho nên, mẹ nên bắt đầu từ việc nấu bột có vị ngọt (bột gạo, bột yến mạch,…) kết hợp cùng rau củ, trái cây, sau 2 – 4 tuần mới dần chuyển sang bột mặn.
- Ăn từ ít đến nhiều: Thời gian đầu khi trẻ ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn một nửa chén nhỏ với 1 – 2 bữa/ngày, sau đó tăng dần lượng thức ăn và bữa ăn. Điều này giúp hệ tiêu hóa non nớt của trẻ làm quen dần, tránh tình trạng “quá tải” gây rối loạn tiêu hóa.
- Ăn từ loãng đến đặc: Vì hệ tiêu hóa của trẻ cần quen dần với dạng thức ăn đặc hơn sữa mẹ. Lúc cho trẻ ăn dặm mẹ nên pha bột thành hỗn hợp loãng, mịn và sánh như kem.
- Đảm bảo đầy đủ dưỡng chất: Mẹ nên bổ sung cho trẻ đủ 4 nhóm chất gồm tinh bột (gạo, ngô, khoai,…), đạm (đậu, thịt, cá,…), chất béo (dầu, bơ, hạt,…), vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây,…).
Trên đây là toàn bộ những giải đáp cho vấn đề nên cho trẻ ăn bột hay cháo xay tốt hơn, mong rằng những thông tin hữu ích này sẽ giúp mẹ tự tin đồng hành cùng con trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, ngoài ăn dặm với bột và cháo xay, mẹ vẫn cần bổ sung đủ lượng sữa cho trẻ để con hấp thu đầy đủ dưỡng chất, phát triển toàn diện. Với trẻ dùng sữa công thức, mẹ ưu tiên chọn sữa dễ tiêu hóa, hấp thu và êm dịu với bụng của con nhé.