Xem nhanh
Sau khi cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm, bệnh nhân thường rất khó khăn trong việc ăn uống. Trong khi đó, người bệnh cần bổ sung thêm dưỡng chất và nghỉ ngơi hợp lý để sức khỏe nhanh hồi phục. Vì thế, Dinh Dưỡng Online sẽ tư vấn với bạn đọc những điều cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng sau mổ ruột thừa.
Nên ăn gì sau khi mổ ruột thừa?
Ăn các món dễ tiêu hóa
Đây là điều bắt buộc trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sau khi mổ ruột thừa. Không như các ca mổ khác, việc cắt bỏ ruột thừa ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa và cần một khoảng thời gian hoạt động bình thường. Vì thế, người bệnh nên ăn những món dạng lỏng, tránh ăn thức ăn ở dạng rắn để dễ tiêu hóa như các loại sữa, canh, cháo, súp…
Ăn đủ dưỡng chất
Lúc này, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để tạo tế bào, chữa lành vết mổ nhanh chóng và phòng ngừa các biến chứng. Để cơ thể nạp vào đầy đủ các chất dinh dưỡng, bệnh nhân ăn thêm nhiều loại trái cây và rau quả mềm, dễ tiêu; thực phẩm từ sữa ít chất béo và các nguồn protein nạc như thịt gia cầm và hải sản được chế biến dễ ăn, đậu phụ và đậu vào chế độ ăn hàng ngày.
Chọn thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch
Sau khi mổ ruột thừa, người bệnh cảm thấy đau nhức và sức khỏe yếu. Vì vậy trong khẩu phần dinh dưỡng sau mổ ruột thừa, ta cần bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất. Chúng giúp tăng cường hệ miễn dịch, và nhất là phòng tránh nhiễm trùng sau mổ.
Kẽm giúp cơ thể hình thành các ‘chiến sĩ’ bạch cầu bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và được khuyên dùng cho bệnh nhân sau mổ ruột thừa. Bạn có thể tìm kiếm chất kẽm trong hải sản, sữa, ngũ cốc, đậu và các loại hạt để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng.
Vitamin C là nhóm nguyên tố rất cần thiết cho việc sản xuất các kháng thể và chất chống oxy hóa, vì thế người bệnh nên bổ sung vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, tránh tình trạng lên cơn sốt sau phẫu thuật. Vitamin E bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây tổn hại màng tế bào và DNA, bảo vệ cơ thể mắc bệnh tật. Ngoài ra, họ cũng cần ăn thêm các thực phẩm giàu vitamin A giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng ở vết thương. Rau lá xanh và ớt đỏ rất giàu vitamin A và C, trong khi hạnh nhân và rau bina lại bổ sung vitamin E dồi dào.
Mổ ruột thừa cần ăn kiêng bao lâu?
Sau khi mổ viêm ruột thừa khoảng 6-8 giờ, người bệnh không nôn thì cho uống nước đường, sữa. Khi có nhu động ruột, hãy cho họ ăn cháo, súp khoảng 2 ngày, sau đó cho ăn uống bình thường và nên ăn đa dạng các loại thức ăn từ lỏng đến đặc mà không cần phải kiêng cữ. Ngoài ra người bệnh nên vận động sớm khi có đủ điều kiện và chú ý chăm sóc vết mổ: nếu vết mổ lành lặn tốt thì không cần thay băng hoặc 2 ngày thay băng một lần, cắt chỉ sau 7 ngày.
Mổ ruột thừa nên kiêng ăn gì?
Sau mổ ruột thừa chắc chắn hệ tiêu hóa không thể khỏe mạnh như bình thường, do đó nếu người bệnh ăn phải những loại thực phẩm giàu chất béo thường rất khó tiêu, thậm chí bị tiêu chảy. Vì thế cần lưu ý mặc dù bác sĩ cho ăn uống bình thường trở lại, bệnh nhân cũng cần hạn chế các món ăn giàu chất béo. Cụ thể như đồ ăn chiên rán, bánh, cookies, sô cô la…
Chú ý khác mà người bệnh cần nhớ là không nên ăn các loại trái cây cứng, thịt gia cầm, cá, bánh mì… Những loại thực phẩm này vừa khó tiêu, vừa đòi hỏi bệnh nhân phải nhai nhiều, ảnh hưởng đến vết thương sau mổ. Tốt nhất, người bệnh nên tuân theo chỉ định của bác sĩ đến khi trở lại ăn uống lại như bình thường.
Qua những thông tin về dinh dưỡng sau mổ ruột thừa ở trên, hy vọng rằng bạn đọc đã tìm hiểu thêm được những kiến thức bổ ích. Chúc bạn một sức khỏe tốt và dồi dào năng lượng.