Gãy xương là tình trạng xương bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Việc xây dựng chế độ ăn cho người gãy xương là một trong những điều cần thiết giúp họ có thể nhanh chóng hồi phục. Vậy người bị gãy xương nên ăn gì và kiêng ăn gì để mau lành? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
Xem nhanh
1. Vai trò của dinh dưỡng đối với phục hồi gãy xương
Gãy xương là tình trạng xương bị biến dạng, tổn thương và gãy đôi theo nhiều chiều khác nhau (dọc, ngang,…) do chịu tác động lực quá mức. Gãy xương có thời gian hồi phục từ khoảng từ 1 – 6 tháng sau gãy, phụ thuộc nhiều các yếu tố khác nhau, trong đó tập luyện và dinh dưỡng đóng vai trò chính yếu.
Theo đó, một người cần khoảng 2500 calo mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngày. Nhưng với người sau gãy xương nhu cầu này có thể tăng lên gấp 3 lần, đặc biệt là vitamin và khoáng chất. Chính vì vậy, việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất, ăn uống lành mạnh sẽ giúp củng cố mô, xương, từ đó hỗ trợ tích cực trong việc hồi phục và tái tạo xương mới.
Để hỗ trợ tốt quá trình hồi phục cho người gãy xương thì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất là vô cùng quan trọng.
2. Chế độ ăn cho người gãy xương giúp mau lành
Dưới đây là những thực phẩm nên được bổ sung vào thực đơn cho người bị gãy xương mà bạn không nên bỏ qua:
2.1 Thực phẩm nhiều canxi
Xương được tạo chủ yếu từ canxi, chính vì vậy khi bị gãy xương, bệnh nhân cần bổ sung thực phẩm chứa nhiều loại khoáng chất này như rau chân vịt, bông cải xanh, cần tây, rau diếp, cải bắp, sữa, sữa chua, rong biển, sữa đậu nành,… Không những thế, bổ sung đầy đủ canxi vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân trữ nguồn khoáng chất giúp cơ thể sửa chữa và tái tạo xương gãy hiệu quả.
2.2 Thực phẩm nhiều magie
Magie là loại khoáng chất giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thu canxi, từ đó tăng nhanh quá trình phục hồi và tái tạo xương. Trong trường hợp không được bổ sung magie đầy đủ có thể kéo dài quá trình hồi phục, lượng canxi giảm sút có thể dẫn đến tình trạng loãng xương. Các loại thực phẩm nhiều magie bạn có thể tham khảo gồm có rau ngót, rau mùng tơi, cải xanh, thịt, kê, sữa, đậu tương, lạc, khoai lang, chuối, bơ, mủ trôm, cá thu, cá chép, cá mú…
Khi bị gãy tay nên ăn gì, các thực phẩm giàu magie là lựa chọn phù hợp bạn không nên bỏ qua.
2.3 Thực phẩm chứa kẽm
Kẽm có rất nhiều trong các loại thực phẩm như trứng, khoai tây, cà rốt, tiểu mạch, hàu, trai, lạc, đào, bánh mì, bột thô, hải sản, cá biển, ngũ cốc, hạt hướng dương, hạt bí… Những loại thực phẩm này nên được thêm vào chế độ dinh dưỡng cho người gãy xương, bởi kẽm có tác dụng hình thành mô sẹo, kích thích sản sinh protein trong xương từ đó hỗ trợ quá trình điều trị, khắc phục tình trạng này. Được biết, kẽm khi vào cơ thể sẽ giúp vitamin D hoạt động hiệu quả, đồng thời hỗ trợ canxi được hấp thụ dễ dàng.
2.4 Thực phẩm giàu vitamin
Khi bị gãy xương, chúng ta cần phải dùng thật nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin để giúp duy trì sức khỏe tốt nhất, sức đề kháng mạnh mẽ nhằm giúp cơ thể mau chóng hồi phục các tổn thương xương. Trong đó, bệnh nhân cần phải chú trọng vào 2 loại vitamin B6 và vitamin B12.
Đối với vitamin B6 sẽ giúp chuyển hóa tryptophan thành niacin, chuyển hóa đạm, chất béo hay carbohydrate và hỗ trợ tình trạng gãy xương, mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn tâm thần… Một số thực phẩm chứa vitamin B6 có thể kể đến như quả chuối, đậu đỏ, ngũ cốc, khoai tây, thịt gia cầm, thịt bò nạc, súp lơ, cà rốt, cải bắp…
Trong khi đó, vitamin B12 có nhiều trong các loại thực phẩm như hạt điều, bơ hạt điều, hải sản, trứng, sữa, cá, nội tạng động vật (gan, cật, tim, thận…), hạnh nhân, sữa hạnh nhân, dầu thực vật… Khi sử dụng những loại thực phẩm chứa vitamin B12 sẽ hỗ trợ trong việc hình thành khung xương khỏe mạnh để khắc phục hiệu quả các chấn thương xương.
2.5 Thực phẩm nhiều axit folic
Khi nhắc đến gãy chân nên ăn gì, bạn đừng bỏ qua các thực phẩm giàu axit folic như ngũ cốc, đậu lăng, rau bina, súp lơ, măng tây, cam, quýt, chuối,… Được biết, axit folic là chất giúp xương cứng cáp và chắc khỏe hơn, đồng thời hỗ trợ hình thành khung xương khỏe mạnh.
Các loại rau bina, súp lơ, cam, bưởi, chuối, bơ là những thực phẩm giàu axit folic cần thiết cho người bị gãy xương.
2.6 Người bị gãy xương nên ăn gì cho mau lành? Trái cây và rau xanh
Muốn người gãy xương nhanh chóng hồi phục đòi hỏi cần có chế độ ăn uống phù hợp giúp quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra thuận lợi, từ đó hấp thu các chất dinh dưỡng tốt nhất. Rau xanh, trái cây chính là nhóm chất có tác động rất lớn đến việc hỗ trợ tối đa việc kích thích quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra hiệu quả. Cùng với đó, các chất dinh dưỡng có trong trái cây và rau xanh chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất có lợi cho việc phục hồi xương, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường đề kháng.
2.7 Thực phẩm nhiều photpho
Photpho cũng là khoáng chất cần thiết cho xương bị gãy có thể liền lại nhanh chóng vì nó tham gia vào quá trình tái tạo xương. Thực đơn cho người bị gãy xương nên bổ sung nhiều các thực phẩm dồi dào photpho như trứng cá, lòng đỏ trứng gà, gan bò, pho mát, yến mạch, hạt óc chó…
2.8 Thực phẩm giàu chất sắt
Sắt là chất có vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp collagen, chuyển hóa vitamin D của cơ thể giúp quá trình lành xương diễn ra nhanh chóng hơn. Không những thế, sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin – thành phần của hồng cầu có tác dụng trong việc vận chuyển oxy nuôi dưỡng cơ thể, đặc biệt là các tế bào và mô bị tổn thương. Một số thực phẩm giàu sắt bạn nên bổ sung khi bị gãy xương là trứng, sữa, thịt bò, rau có màu xanh đậm,…
Chế độ dinh dưỡng cho người bị gãy xương không thể thiếu thực phẩm giàu sắt bởi chúng giúp quá trình lành xương diễn ra nhanh chóng.
2.9 Thực phẩm chứa nhiều kali
Nếu bạn không biết người bị gãy xương nên ăn gì thì thực phẩm giàu kali là gợi ý phù hợp dành cho bạn. Theo đó kali là chất giúp trung hòa axit, hạn chế canxi bị đào thải theo đường nước tiểu, qua đó hỗ trợ cơ thể sớm phục hồi xương bị gãy. Thực phẩm giàu kali bạn có thể bổ sung vào thực đơn cho người gãy xương là chuối, khoai tây, nước cam, nho khô, chà là, cá hồi, cá tuyết, cà chua,…
3. Gãy xương nên kiêng ăn gì? Những thực phẩm người gãy xương nên tránh
Bên cạnh tìm hiểu những thực phẩm người bị gãy xương nên ăn, bạn đừng bỏ qua những thực phẩm không nên ăn để giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng.
3.1 Rượu, bia và các chất kích thích
Rượu, bia và các chất kích thích là những thứ gây rối loạn khả năng chuyển hóa máu trong cơ thể, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, kéo dài quá trình hồi phục. Những người bị gãy xương, viêm khớp hay thoái hóa khớp nên bỏ thói quen dùng chất kích thích nếu không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe.
3.2 Cà phê
Cà phê là thức uống bạn không nên cho người bị gãy xương sử dụng. Vì cafein trong cà phê sẽ làm giảm khả năng hấp thu canxi khi ăn những món ăn khác, bệnh gãy xương sẽ khó lành.
3.3 Các món nhiều dầu mỡ
Bệnh nhân gãy xương nên kiêng kỵ các món ăn có nhiều chất béo và dầu mỡ. Dầu mỡ khi được hấp thu cùng các thực phẩm giàu canxi có thể chuyển hóa canxi thành chất bọt và bị thải ra ngoài. Vì vậy, để có thể hỗ trợ tốt nhất trong việc hồi phục, người bị gãy xương nên hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ như chiên, xào, thay vào đó nên ưu tiên các món ăn như cháo, súp, canh, hấp, luộc,… Cùng với đó là sử dụng dầu thực vật để nấu ăn thay cho dầu mỡ động vật.
Khi bị gãy tay kiêng ăn gì? Đó là các món ăn nhiều mỡ, chất béo, bởi có thể khiến canxi bị đào thải ra khỏi cơ thể và xương lâu lành.
3.4 Đồ ăn ngọt, béo
Thời điểm xương bị gãy, người bệnh nên hạn chế ăn nhiều bánh kẹo ngọt, sô cô la, uống nước ngọt,… Bởi các thực phẩm này vừa khiến các cơ quan tiêu hóa bị rối loạn, vừa có thể làm cho vết thương trở nên đau nhức hơn.
3.5 Nước trà đậm đặc
Nước trà đặc không tốt cho quá trình phát triển của xương, liễn vết gãy, từ đó kéo dài thời gian hồi phục. Vì thế để tốt hơn, bạn nên chuyển qua uống các loại nước ép trái cây và sữa để xương mau lành.
3.6 Đồ ăn mặn, nhiều muối
Người gãy xương kiêng ăn gì? Đó là các món ăn có mặn chứa nhiều muối, bởi món ăn này làm tăng nhanh quá trình đào thải canxi ra khỏi cơ thể khiến xương dần trở nên suy yếu, đồng thời giảm khả năng hình thành tế bào mới. Vì vậy khi chế thức ăn cho người bị gãy xương, bạn nên nấu thanh đạm, bỏ muối một lượng vừa đủ.
4. Lưu ý trong chăm sóc người bệnh gãy xương
Bên cạnh việc tìm hiểu những thực phẩm người bị gãy xương nên ăn và không nên, bạn hãy “bỏ túi” ngay những lưu ý dưới đây để giúp xương mau lành:
- Nghỉ ngơi điều độ cùng với đó là kết hợp cùng các bài tập nhẹ và tập hít thở.
- Uống thuốc và trị liệu theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Nên kê cao chi bị gãy lên cao nhằm hạn chế tình trạng bị phù do ứ máu tĩnh mạch.
- Di chuyển, đi lại nhẹ nhàng và tăng dần mức độ vận động ở tần suất vừa phải.
- Tái khám và theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ phụ trách.
- Bỏ thói quen hút thuốc, uống rượu bia giúp nhanh hồi phục hơn.
Trên đây là những thực phẩm cần thiết người bị gãy xương nên ăn, cùng với đó là những thực phẩm không nên ăn và các lưu ý giúp nuôi dưỡng, tái tạo và phục hồi xương khớp nhanh chóng. Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn có thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe khi bị gãy xương.