Hiện nay có nhiều người sợ chất béo và tránh chúng trong khẩu phần ăn vì nghĩ sẽ làm tăng cân nặng của bản thân. Tuy nhiên, chất béo lại đóng một vai trò quan trọng không kém các chất dinh dưỡng khác và nếu thường xuyên không ăn chất béo thì có thể dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe và cơ thể.
Dưới đây là những điều bạn nên làm khi nhận thấy cơ thể bị thiếu chất béo cũng như cách xây dựng khẩu phần ăn hợp lý hơn cho mình.
Xem nhanh
1. Vai trò của chất béo
Nhiều người thường cho rằng việc tiêu thụ chất béo sẽ dẫn tới mỡ thừa, khiến lượng cholesterol tăng cao nên muốn loại bỏ hoàn toàn loại chất này ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Tuy nhiên, chất béo lại là một trong bốn nhóm dưỡng chất không thể thiếu của con người bao gồm chất đường, chất đạm, chất béo và cuối cùng là vitamin với khoáng chất. Cholesterol trên cơ bản là một loại chất béo vô cùng cần thiết cho cơ thể với những chức năng và vai trò khác nhau. Chẳng hạn như nó là thành phần cấu tạo nên các sợi trục, dây cũng như rẽ của hệ thần kinh trung ương. Không chỉ vậy, cholesterol còn là chất tiền thân để tổng hợp nên các hormone đảm bảo chức năng sống còn và duy trì nòi giống.
Do đó mà việc dư thừa chất béo có thể dẫn tới béo phì nhưng thiếu chất béo cũng nguy hiểm vô cùng vì cơ thể không thể hoạt động một cách bình thường. Điều quan trọng nhất là cần phải lưu ý trong chế độ ăn uống để đảm bảo cơ thể hấp thu đủ lượng chất béo cần thiết cho những vận động căn bản và nên tránh tình trạng khiến cơ thể bị thiếu chất béo.
2. Dấu hiện nhận biết cơ thể bị thiếu chất béo
Nếu bạn thường xuyên không ăn chất béo trong một thời gian dài thì sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Khi cơ thể thiếu chất béo thì đầu tiên bạn thường sẽ cảm thấy lạnh vì lúc này không còn đủ chất béo để sản sinh ra nhiệt lượng giữ ấm cho cơ thể nữa. Thêm nữa, sức tập trung của bạn cũng sẽ biến kém, hay bị mệt mỏi, lơ mơ suốt cả ngày. Thiếu chất béo còn biểu hiện ở đường huyết, khiến chỉ số này không ổn định và tăng lên, gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
3. Những nguy cơ khi cơ thể bị thiếu chất béo
Tác động đầu tiên của việc thiếu hụt chất béo chính là dẫn tới lượng vitamin được hấp thu cũng ít đi. Đó là do vitamin cần chất béo hòa tan, nếu không có chất béo thì các loại vitamin sẽ bị bài tiết ra bên ngoài. Thời gian lâu tình trạng này sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt vitamin trầm trọng. Không có chất béo cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động, khiến bạn khó tập trung, mất sức sáng tạo và hiệu suất cũng kém. Hàm lượng chất béo nếu không được bổ sung thì cũng dễ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng cũng như suy nhược cơ thể.
Không chỉ vậy, khi cơ thể được bổ sung một hàm lượng chất béo quá ít thì các cholesterol lành mạnh sẽ giảm xuống và từ đó thì các cholesterol xấu tăng cao. Điều này sẽ dẫn tới một số bệnh về tim mạch, cao huyết áp… Thậm chí nếu cơ thể thiếu hụt quá nhiều các axit béo thì sẽ có nguy cơ cao dẫn tới ung thư ruột, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt rất nguy hiểm.
4. Nên làm gì khi cơ thể bị thiếu chất béo
Cách tốt nhất là nên bổ sung chất béo trong các khẩu phần ăn hằng ngày, các chất béo này bạn có thể lấy từ các thực phẩm lành mạnh để không bị thừa cân mà vẫn bổ sung đủ chất cho cơ thể. Những loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như hạt thông, dầu oliu, dầu hạt lanh, hạt hướng dương, hạnh nhân, socola đen, thịt vịt, thịt cừu, bơ… Không chỉ cung cấp chất béo lành mạnh mà các loại thực phẩm này còn có nhiều tác dụng tốt khác cho cơ thể.
Cơ thể bị thiếu chất béo có thể dẫn tới những ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe, do đó bạn cần lưu ý bổ sung thêm cho cơ thể. Chất béo tốt nhất nên có nguồn gốc từ thực vật vì những chất béo động vật có thể khiến bạn bị thừa cân và không tốt cho cơ thể.
Theo dinhduong.online tổng hợp