Mô hình ô dinh dưỡng là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi ở nhiều gia đình nông thôn nhằm góp phần cung cấp thực phẩm bổ sung trong các bữa ăn hàng ngày.
Ý nghĩa mô hình ô dinh dưỡng
Các hoạt động nông nghiệp ở nhiều hộ gia đình đều tận dụng từ mảnh đất có sẵn. Họ có thể trồng rau quanh vườn hoặc bờ ao sau nhà. Chúng thường là rau cải, rau ngót, cây ổi, cây chanh hoặc giàn mướp, hoa thiên lý trước nhà. Ngoài ra còn có các loại rau gia vị, rau thơm, tía tô… Các loại gừng, tỏi, nghệ trồng dưới tán cây. Hầu hết các loại rau củ này đều là thực phẩm sạch và an toàn. Chúng rất giàu vitamin và khoáng chất, giúp kích thích vị giác. Người ta còn phát triển mô hình ô dinh dưỡng ở hoạt động chăn nuôi như: nuôi cá, nuôi gia cầm, thủy hải sản…Trứng sạch, thịt sạch tại nhà lúc nào cũng được đánh giá cao.
Ô dinh dưỡng không chỉ diễn ra ở nông thôn mà ở thành thị mô hình này cũng đang trở thành xu hướng phổ biến. Người ta có thể tận dụng hết mọi khoảng không, ngóc ngách trong nhà. Họ trồng rau sạch với dung dịch thủy canh hoặc trồng tại mảnh đất nhỏ trên sân thượng. Có một số nhà còn đặt chậu cảnh là cây gia vị thuốc vừa làm đẹp vừa hữu dụng.
Việc xây dựng một mô hình ô dinh dưỡng giúp bữa ăn gia đình thêm ấm cúng hơn. Vì đó là thành quả từ việc các thành viên cùng nhau lao động tạo nên nguồn thực phẩm hàng ngày. Bất kể nam hay nữ, cụ già hay đứa trẻ đều có thể góp sức. Bữa ăn gia đình không chỉ tốt cho sức khỏe mà nó còn là dịp để cả nhà quây quần bên nhau. Có nhiều người còn ví rằng bữa ăn gia đình như một “sợi dây vô hình” gắn kết các thành viên. Ngoài ta, nó còn thể hiện văn hóa sinh hoạt riêng của mỗi gia đình.
Xây dựng mô hình ô dinh dưỡng
Để xây dựng mô hình ô dinh dưỡng thành công, chúng ta cần biết rõ nhu cầu dinh dưỡng của từng thành viên. Sau mỗi bữa ăn gia đình, cần xem xét mọi thành viên có no đủ hay không. Thông thường người ta quan niệm rằng người lớn giữ được cân, trẻ em thì tăng cân mau lớn. Có như thế, mô hình này mới đảm bảo được đúng số lượng thực phẩm cần cung cấp.
Mặt khác cũng cần nắm rõ giá trị dinh dưỡng của các thực phẩm. Một bữa ăn “chuẩn” cần đầy đủ 4 nhóm chất: đạm, tinh bột, béo, vitamin và khoáng chất. Chất đạm thường từ thịt gia cầm, thịt heo sạch, trứng, tôm, cua…từ hoạt động chăn nuôi ở nhà. Nguồn tinh bột chủ yếu được cung cấp từ cơm. Các vitamin và khoáng chất đều xuất phát từ các loại quả hái sau vườn hoặc trước sân. Trong mô hình ô dinh dưỡng, rau cũng là thành phần không thể thiếu. Rau cung cấp vitamin, các nguyên tố vi lượng cần thiết và hàm lượng chất xơ dồi dào ngừa táo bón.
Bữa ăn gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Một bữa ăn ngon không chỉ cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe mà còn tạo ra không khí đầm ấm, vui tươi khiến người ta ăn ngon miệng hơn.